Việc mắc bệnh giun sán là điều cực kỳ phổ biến ở trẻ em. Bệnh này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển của trẻ nhỏ như khiến chúng trở nên chán ăn, mệt mỏi và nhiều lúc còn bị thiếu máu. Trẻ bị bệnh giun sán thường có thể hình còi cọc, ốm yếu và dễ mắc phải các bệnh lặt vặt. Vậy liệu có cách nào phòng tránh và điều trị bệnh giun sán ở trẻ nhỏ không? Câu trả lời là có. Mời các bạn hãy theo dõi bài viết sau đây của chúng tôi để cùng tìm hiểu những phương pháp phòng bệnh giun sán ở trẻ nhỏ.
Bệnh giun sán ở trẻ em và triệu chứng thường gặp
Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh giun sán nhất. Việc nhiễm giun sán ở trẻ nếu không được điều trị tốt sẽ gây rối loạn tiêu hóa, chán ăn, suy dinh dưỡng, thiếu máu, trẻ chậm phát triển về tinh thần và thể chất,…Việc dự phòng bệnh này giúp làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh, hạn chế những biến chứng của giun sán gây ra.
Người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh giun sán. Trẻ em hầu hết đều có giun, có nhiều loại giun song trẻ thường hay bị giun đũa và giun kim. Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, chưa chín kỹ, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh và qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất.
– Triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng vùng rốn, gầy yếu; trẻ có thể nôn ra giun, ỉa ra giun. Đau bụng giun thường tái đi tái lại nhiều lần.
– Trẻ nhiễm giun thường khó ngủ, đôi khi đái dầm, hay quấy khóc do ngứa hậu môn vào ban đêm.
– Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, phân lúc đặc lúc lỏng; có thể nhìn thấy giun kim ở hậu môn hoặc trong phân.
– Trẻ biếng ăn, khó chịu, thay đổi trong hoạt động hằng ngày.
– Trẻ em gái có thể bị mẩn đỏ và ngứa quanh vùng âm đạo.
– Có biểu hiện thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
– Có thể có máu trong phân, có biểu hiện thiếu máu hoặc thở khò khè, ho khan.
Những cách giúp phòng trị bệnh giun sán ở trẻ
Để bảo vệ trẻ khỏi nhiễm giun sán thì các bậc cha mẹ cần chú ý một số điều sau đây:
– Vệ sinh môi trường sống: Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi ra môi trường, không dùng phân tươi hoặc chưa ủ kỹ để bón cây, không để ruồi nhặng đậu vào thức ăn; không để chó, gà,… tha phân gây ô nhiễm môi trường.
– Cho trẻ ăn chín, uống chín, khi ăn các loại rau quả cần rửa sạch và gọt vỏ.
– Thường xuyên cắt ngắn móng tay cho trẻ.
– Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Đi giày dép thường xuyên, nhất là khi đi ra vườn, nền đất cát.
– Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trong nhà có một người bị nhiễm giun, nên tẩy giun cho cả nhà. Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun, tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn nhưng phải được bác sĩ tư vấn và chọn loại thuốc thích hợp.