Sốt là căn bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt ở các bé, điển hình như thời tiết chuyển mùa, bé bị trúng gió, bé có sức đề kháng kém,… Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn đang có suy nghĩ rằng sốt chỉ là một bệnh vặt không có gì đáng lo. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng có rất nhiều trường hợp trẻ bị sốt và lên cơn co giật khi tình trạng trở nặng. Chính vì vậy mà người lớn cần có những giải pháp phòng bệnh cũng như là chăm sóc trẻ để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Mục lục
Bệnh sốt co giật ở trẻ nhỏ
Thời tiết giao mùa thường nóng lạnh đột ngột là điều kiện lý tưởng để các loại virus gây bệnh phát triển mạnh, khiến cho bé dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, viêm hô hấp…
Một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở hầu hết các bệnh là trẻ bị sốt. Sốt có thể gây ra một số biến chứng ở trẻ nếu không được xử trí đúng cách như co giật, mất nước, suy kiệt,… Co giật là một trong những biến chứng nặng do sốt gây ra. Đây là một tình trạng bệnh lý đòi hỏi phải xử lý cấp cứu vì nó có thể đe dọa tính mạng của trẻ hoặc để lại những di chứng nặng nề về sau như động kinh, chậm phát triển tâm trí và vận động đặc biệt là những trường hợp sốt cao co giật kéo dài. Đứng trước tình trạng co giật các bậc phụ huynh thường hay lúng túng, không biết cách xử trí; gây nên hậu quả nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.
Sốt co giật là một tình trạng co giật xảy ra ở trẻ trong lứa tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi; và có nhiệt độ sốt từ 38°C trở lên. Hầu hết tình trạng sốt co giật xảy ra ở các trẻ trong độ tuổi khoảng từ 12 – 18 tháng.
Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh sốt co giật
Trẻ bị sốt co giật sẽ có triệu chứng sốt, tăng nhiệt độ sốt đột ngột, cứng người, trợn mắt, tay chân giật liên hồi và sau 1 – 2 phút thì sẽ tự hết co giật.
Nguyên nhân khiến trẻ sốt co giật rất nhiều, trong đó có tình trạng nhiễm trùng: nhiễm do siêu vi, nhiễm do vi khuẩn hoặc sau chích ngừa cũng có thể khiến trẻ bị sốt co giật.
Ngoài ra tình trạng sốt co giật ở trẻ thường hay có yếu tố tiền sử gia đình. Có thể tiền căn trong gia đình đã có những người bị co giật khi sốt như vậy lúc nhỏ như bố, mẹ, anh, chị…
Mặc dù tỉ lệ trẻ mắc di chứng động kinh sau sốt cao co giật là thấp, nhưng nguy cơ tái phát cơn co giật ở những trẻ này trong hai năm kế tiếp có thể từ 15 – 70% từ khi cơn co giật đầu tiên xuất hiện. Thực tế cho thấy, co giật tái diễn nhiều lần sẽ không tốt cho não bộ não của trẻ. Bởi sự phóng điện đột ngột, quá mức của các nơron thần kinh có thể “giết chết” các tế bào não, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, giác quan, ngôn ngữ và làm giảm trí nhớ của trẻ.
Độ tuổi thường xuyên bị sốt co giật
Co giật khi sốt thường xảy ra ở trẻ nhỏ (từ 6 tháng đến 6 tuổi); bởi vì não của trẻ chưa phát triển đầy đủ và rất nhạy cảm với các rối loạn nhiệt độ. Sốt cao có thể kích thích não của trẻ và gây khởi phát một cơn co giật. Dĩ nhiên không phải tất cả các trẻ đều bị co giật khi bị sốt cao, nguyên nhân có thể là do não của một số trẻ này nhạy cảm với co giật hơn các trẻ khác, khuynh hướng này thường có tính chất gia đình. Khi được 5-6 tuổi thì não đã trưởng thành và trẻ sẽ không còn nguy cơ bị co giật khi sốt nữa.
Sốt cao co giật tái diễn nhiều lần có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe; và gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Do vậy, các bậc cha mẹ cần nắm rõ cách hạ sốt, sơ cứu khi trẻ bị co giật cũng như chăm sóc trẻ sau cơn co giật để giúp con sớm hồi phục và phòng ngừa mọi rủi ro có thể xảy ra.
Những trường hợp cần đưa bé đến bệnh viện
Trong một vài trường hợp, ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện khi bé bị sốt; kèm theo những triệu chứng nguy hiểm:
– Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 38 độ.
– Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức.
– Co giật kèm tay chân lạnh, nôn hết những gì đã bú hoặc ăn uống.
– Xuất huyết: nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, máu lợi, ói ra máu, đi cầu phân đen như bã cà phê.
– Khó thở
– Bỏ bú.
Chăm sóc trẻ nhỏ tại nhà khi bị sốt co giật
Khi thấy trẻ có cơn co giật, cha mẹ nên giữ bình tĩnh và thực hiện một số hướng dẫn xử trí sốt cao co giật sau để giảm thiểu rủi ro và tai nạn cho trẻ:
Bước 1: Làm thông đường thở
– Khi trẻ co giật tím tái, không khóc phải đặt trẻ nằm nghiêng, không được gập đầu để trẻ thở tốt, nếu có đờm dãi thì sẽ chảy được ra ngoài, không bị rơi vào phổi tắc thở rất nguy hiểm.
– Hút đờm nhớt nếu có sẵn dụng cụ hút.
Bước 2: Nhét hậu môn thuốc hạ sốt
– Cởi bỏ quần áo để giúp trẻ thoải mái, dễ thở hơn.
– Nhét thuốc hạ sốt Paracetamol liều 15mg/kg/lần vào hậu môn
Bước 3: Làm mát cơ thể hạ sốt
– Nhúng khăn vào nước ấm vắt hơi ráo. Đặt khăn ở nách, bẹn và lau khắp cơ thể.
– Thay khăn ấm mới mỗi 2-3 phút/ lần để trẻ hạ sốt.
– Ngưng lau mát khi đo nhiệt độ ở nách dưới 38 độ C.
Tất cả trẻ co giật sau khi sơ cứu phải đưa ngay đến cơ sở y tế; để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Biện pháp phòng tránh bệnh sốt co giật
– Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để điều trị sớm nguyên nhân trẻ bị sốt; và phòng tránh cơn co giật có thể xảy ra.
– Cởi bớt quần áo trên người trẻ, nới rộng quần áo, đặt trẻ nằm ở nơi thông thoáng.
– Không được mặc quá nhiều quần áo hay ủ ấm trẻ quá kín.
– Thường xuyên cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt của trẻ.
– Lau người cho trẻ bằng nước ấm, uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ của trẻ trên 38,50C.
Trường hợp trẻ sinh ra đã yếu và suy dinh dưỡng thì càng nên phải chú ý. Cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn uống hợp lý và bổ sung các thực phẩm để cải thiện tình trạng sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho bé. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn cho trẻ.